Ba nhiệm vụ trọng tâm phục hồi kinh tế của Hà Nội

10/10/2021,21:26

Là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, thời gian qua, Hà Nội luôn xác định phải giữ vững thành trì chống dịch, bảo vệ Thủ đô an toàn. Từ đó, làm cơ sở để Hà Nội phát triển kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Một góc quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội).

An toàn đến đâu, mở cửa đến đó

Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4-2021, Hà Nội nhanh chóng áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu, đồng thời điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm phù hợp với thực tế. Từ giữa tháng 7-2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca nhiễm mới tăng nhanh. Trước tình hình đó, thành phố quyết định áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 24-7.

Chủ động thực hiện giãn cách xã hội là quyết định kịp thời, đúng và trúng của thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách xã hội, thành phố triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước kiểm soát và khống chế dịch Covid-19. Đặc biệt, Hà Nội đã thần tốc hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19 cho người dân đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên vào ngày 15-9. Nhờ đó, thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động ngay từ sáng 16-9. Đến ngày 21-9, thành phố tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động và ngày 28-9 cho phép thêm một số hoạt động.

Sở dĩ Hà Nội phải mở từng bước, thận trọng như vậy vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ từ Bộ Y tế. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch. Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, những biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện là: Tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch (PCD) của người dân, doanh nghiệp, trong đó, người dân phải thực hiện “5K”, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày; tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10-2021, cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh. Đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn về hoạt động của người đã tiêm 1 mũi vaccine và tiêm đủ 2 mũi vaccine để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng phương án kiểm soát linh hoạt dịch bệnh, bước vào sản xuất, kinh doanh (SXKD), phát triển kinh tế-xã hội.

Tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế-xã hội

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, coi “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Hà Nội cũng không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trong 2/3 thời gian của quý III-2021. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III-2021 ước tính giảm 7,02%. Đây là mức giảm đã được Hà Nội lường trước.

Nhìn tổng thể, nhờ áp dụng các biện pháp PCD linh hoạt theo mức độ dịch bệnh, Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mặc dù diễn ra đợt dịch lần thứ tư nhưng GRDP quý II-2021 của thành phố vẫn tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I-2021 tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%). Tăng tưởng GRDP 9 tháng của thành phố đạt 1,28%. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế nên không những bảo đảm an sinh xã hội cho thành phố, Hà Nội còn tích cực chi viện cho các địa phương khác. Tính riêng đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Thủ đô đã chi viện cho TP Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo (trị giá 75 tỷ đồng), tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và 18 tỉnh, thành phố phía Nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng…

Đường phố Hà Nội từng bước quay trở lại nhịp sống bình thường. Trong ảnh: Phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.Ảnh: NGUYỄN VŨ

Trước những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, thiếu hụt lao động, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp kiến nghị với thành phố có biện pháp giãn, hoãn các loại thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất; có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng SXKD; cho phép 100% lao động được làm việc tại nhà máy để đáp ứng những đơn hàng dịp cuối năm. Các doanh nghiệp cũng đề xuất thành phố ưu tiên tiêm phủ vaccine mũi 2 cho công nhân, người lao động; hướng dẫn các đơn vị áp dụng chính sách hỗ trợ lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh từng bước được kiểm soát, thành phố chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, nhất là cải cách các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động SXKD.

Trong khi đó, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương đang cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong lĩnh vực công thương. Với ngành công nghiệp, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đôn đốc triển khai xây dựng 43 cụm công nghiệp (phấn đấu khởi công 20 dự án trong năm nay); tập trung hỗ trợ 250-300 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; công nhận 30 sản phẩm chủ lực; hỗ trợ làng nghề tìm kiếm thị trường; triển khai các chương trình khuyến công đã được phê duyệt… Sở cũng sẽ tiếp tục bảo đảm hàng hóa cho chống dịch trong trạng thái mới; bảo đảm nguồn cung, sản xuất vụ đông; triển khai các sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; khởi động lại các trung tâm thương mại, chợ phải đóng cửa vì dịch Covid-19… Sắp tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra doanh nghiệp SXKD theo bộ tiêu chí an toàn mà sở đang trình thành phố xem xét ban hành.

Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn cũng cho hay, trong 3 tháng còn lại của năm 2021, đơn vị sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh; theo dõi sát sao hoạt động SXKD, “sức khỏe” của doanh nghiệp; tiếp tục đánh giá tác động từ việc áp dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để dự báo mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Từ đó, chủ động xây dựng các kịch bản thu ngân sách nhà nước theo từng tuần, tháng, quý để kịp thời đề ra giải pháp thu ngân sách phù hợp với từng giai đoạn.

Cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng giãn cách, Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu-chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp SXKD. Qua đó, quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu được giao.

ANH VIỆT - NGUYỄN VŨ

Theo ckt.gov.vn


    Chia sẻ