Kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng

06/11/2021,15:04

CNQP&KT – Trên thế giới, cuộc đấu tranh trên không gian mạng đang diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt, do đó bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trở thành nhiệm vụ mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta.

Sự phát triển của khoa học – công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của thế giới, làm thay đổi hệ thống tổ chức, quản lý, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Kinh tế số trở thành xu hướng, chiến lược đặc biệt quan trọng và không thể đảo ngược của các quốc gia trên toàn cầu; lấy không gian mạng là một môi trường, thị trường sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cuộc đấu tranh trên không gian mạng ngày nay cũng diễn ra rất quyết liệt và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trở thành nhiệm vụ mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ở nước ta.

Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử thông qua internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistics, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng. Hiện nay, xu thế kinh tế số đang phát triển mạnh trên toàn cầu. Những yếu tố mang tính nền tảng để thúc đẩy kinh tế số bùng nổ chính là hơn 1/3 dân số thế giới sử dụng mạng xã hội và khoảng hơn 50% sử dụng internet, điện thoại di động (dân số thế giới năm 2020 ước tính khoảng hơn 7,8 tỷ người).

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội. Cùng với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của internet, các thiết bị di động và mạng xã hội, nên ngày càng nhiều cá nhân tham gia thương mại điện tử. Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP), chiếm 30% GDP vào năm 2030.

Tuy nhiên, vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử; vấn đề bảo mật dữ liệu, an toàn, an ninh mạng; thách thức về đo lường, thuế đang đặt ra cho việc bảo vệ nền kinh tế số, cũng như lợi ích quốc gia nhiều khó khăn. Theo thống kê của Hãng bảo mật Kaspersky, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới trong năm 2018. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, có tổng cộng 10.000 vụ tấn tấn công mạng nhằm vào internet Việt Nam năm 2017, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng.

Còn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Đảng ta đã xác định: “Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là một bộ phận không thể tách rời bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là sự nghiệp của toàn dân…”1. Nội dung bảo vệ gồm: Hệ thống thông tin quốc gia, cơ sở hạ tầng thông tin kết nối với quốc tế, các chủ thể hoạt động trên không gian mạng, quy định pháp luật về không gian mạng. Muốn bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng có hiệu quả cần “huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị để xây dựng không gian mạng rộng khắp, an toàn, lành mạnh làm cơ sở xác lập, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng…”2.

“Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là một bộ phận không thể tách rời bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là sự nghiệp của toàn dân…”.
(Nguồn: Nghị quyết số 29-NQ/TW)

Từ quan điểm của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, việc kết hợp không chỉ trong các quy hoạch, kế hoạch mà còn đòi hỏi kết hợp trong từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế với quốc phòng. Do đó, kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước trong tình hình hiện nay. Trên thực tế, những năm qua, việc kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng đã được triển khai thực hiện, song vẫn còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế, chính sách, pháp luật hoàn thiện cho sự phối hợp giữa hai lĩnh vực này. Do vậy, để kết hợp có hiệu quả phát triển kinh tế số gắn với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc kết hợp.

Mặc dù kinh tế số có sự phát triển mạnh và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời là bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nhưng nhận thức của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và toàn dân về vấn đề này vẫn còn hạn chế. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc kết hợp là giải pháp có ý nghĩa nền tảng cho việc định hình cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, nội dung kết hợp hai lĩnh vực này. Cần đẩy mạnh tuyên truyền cho toàn dân hiểu đúng tính tất yếu phải kết hợp, chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, vai trò, vị trí của kinh tế số và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, tổ chức, công dân tham gia có hiệu quả vào việc kết hợp này.

 Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho kết hợp kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng chặt chẽ, hiệu quả.

Đây là giải pháp về cơ chế, chính sách có ý nghĩa quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc kết hợp phát triển kinh tế số và kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng an toàn, hiệu quả.

Kinh tế số và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là lĩnh vực mới, mặc dù được quan tâm xây dựng nhưng có nội dung chưa được phổ cập rộng rãi; cơ chế, chế tài, chính sách, pháp luật có nội dung chưa đầy đủ, rõ ràng. Nhiều vấn đề mới cần phải qua thực tiễn kiểm nghiệm mới có thể định hình khung tiêu chí chuẩn cho hệ thống luật lệ, quy định. Vì vậy, cần lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng, bổ sung, phát triển đầy đủ hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo động lực cho việc kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Cơ chế, chính sách cần quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương (đặc biệt là các cơ quan chủ quản); trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, công dân, kể cả hộ gia đình làm kinh tế số.

Cần phát huy vai trò các cơ quan của Đảng, Nhà nước, nhất là các cơ quan tư pháp, các bộ, ban, ngành chủ quản, trong tham mưu, đề xuất và hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra đôn đốc, uốn nắn những sai sót, bảo đảm cho việc kết hợp đúng đường lối, chính sách, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế quốc dân cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng nói riêng.

Ba là, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian mạng rộng khắp, an toàn, tạo động lực cho phát triển kinh tế số kết hợp với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Đây là giải pháp cơ bản nhằm tạo không gian, xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật cho việc kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng ngày càng rộng mở và đạt hiệu quả thiết thực.

Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, tiên tiến, đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất với cơ chế vận hành, khai thác, sử dụng, cung cấp, chia sẻ thông tin; đồng thời đặc biệt chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thông tin; hình thành các siêu xa lộ thông tin trong nước và kết nối với thế giới, khu vực. Tích cực, chủ động nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ mới, thúc đẩy nền công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông và kinh tế tri thức, kinh tế số phát triển gắn với các sản phẩm công nghệ thông tin về an toàn mạng, an ninh thông tin, tạo tiềm lực khoa học – công nghệ, cơ sở vật chất, nhân lực đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế số ở tất cả các ngành, vùng, các lĩnh vực của nền kinh tế gắn với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Cùng với phát triển đô thị thông minh, cần có bước đi mang tính đột phá trong xây dựng chính quyền số, Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực, hiệu lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; chất lượng hiệu quả, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc phục vụ nhân dân, doanh nghiệp kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Nội dung bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng gồm: Hệ thống thông tin quốc gia, cơ sở hạ tầng thông tin kết nối với hệ thống mạng quốc tế, các chủ thể hoạt động trên không gian mạng, quy định pháp luật về không gian mạng.

Bốn là, phát huy vai trò các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong tham gia kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng muốn đạt mục đích cần có giải pháp phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp và mọi công dân. Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, hộ kinh doanh sử dụng mạng internet để phát triển doanh thu, lợi nhuận; đồng thời có chế tài, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, công dân tham gia sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Các doanh nghiệp quân đội bên cạnh tích cực tham gia phát triển kinh tế số cần giao nhiệm vụ cho các lực lượng chủ động kết hợp tham gia vào công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện việc kết hợp.

Để huy động sức mạnh quốc tế, tranh thủ vốn, khoa học – công nghệ tiên tiến… cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này liên quan trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước, do đó, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong quá trình kết hợp nhằm bảo đảm đúng định hướng. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, ban hành các nguyên tắc, cơ chế, chính sách, quy chế, quy định trên lĩnh vực này tạo thuận lợi cho việc kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Phát triển kinh tế số ngày càng có vị trí, vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân, là bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh trên không gian mạng. Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là nhiệm vụ chiến lược, liên quan trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, an nguy của quốc gia. Từ quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng và điểm chung của hai lĩnh vực này đều hoạt động trên môi trường mạng internet, đặt ra yêu cầu tất yếu phải kết hợp phát triển kinh tế số với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Thực hiện tốt việc kết hợp này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững đất nước cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá LÊ VĂN HƯỞNG Viện Chiến lược Quốc phòng

Theo vdi.org.vn


    Chia sẻ